Biểu tượng Chữ thập đỏ là biểu tượng nhân đạo của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế
BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là Phong trào nhân đạo lớn nhất thế giới, hoạt động trên toàn cầu, bao gồm Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và 190 Hội quốc gia.
Năm 1859, Henry Dunant - một thương nhân Thụy Sĩ vô tình đi qua chiến trường Solferino (Italia) và chứng kiến cuộc giao chiến khốc liệt giữa quân đội Áo và liên quân Pháp - Ý. Ông đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào. Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant đã viết lại những điều này trong một cuốn sách có tên gọi "Ký ức về Solferino" và đưa ra 2 ý tưởng: Thành lập tại mỗi quốc gia một Hội Cứu trợ bao gồm những người tình nguyện để chăm sóc những người bị thương khi có chiến tranh; Vận động một thỏa thuận quốc tế bảo vệ những binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.
Dấu hiệu "Chữ thập đỏ trên nền trắng" lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1863, là biểu tượng của những tổ chức cứu trợ thương binh. Năm 1864, biểu tượng chính thức được công nhận trở thành biểu tượng chính thức của Phong trào. Màu sắc của biểu tượng ngược với quốc kỳ Thụy Sĩ nhằm tôn vinh quê hương của Henry Dunant - Người sáng lập ra Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Năm 1957 - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam kí tham gia 4 Công ước Giơnevơ 12/8/1949 - bộ phận quan trọng cấu thành Luật Nhân đạo quốc tế - trong đó bao gồm những nội dung liên quan đến việc bảo hộ Biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Năm 1980 - có thêm biểu tượng Trăng lưỡi liềm đỏ dùng cho các nước Hồi giáo.
Năm 2005 – có thêm biểu tượng Pha lê đỏ dành cho các nước không sử dụng hai biểu tượng trên.
CÁC BIỂU TRƯNG TRONG PHONG TRÀO CHỮ THẬP ĐỎ VÀ TRĂNG LƯỠI LIỀM ĐỎ QUỐC TẾ
Các thành phần trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đều có biểu trưng riêng được thiết kế dựa trên nền tảng là biểu tượng chữ thập đỏ hoặc trăng lưỡi liềm đỏ hoặc pha lê đỏ trên nền trắng đi kèm với các chi tiết hình họa và chữ.
MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG CỦA PHONG TRÀO
Mục đích BẢO VỆ (mục đích cơ bản): Khi có xung đột vũ trang, các bên tham chiến không được tấn công, xâm phạm những nơi có biểu tượng. Biểu tượng phải có kích thước lớn
Mục đích NHẬN DIỆN: Được sử dụng chủ yếu trong thời bình để nhận biết một cá nhân, tổ chức, tài sản, phương tiện có liên quan tới Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hoặc một Hội quốc gia. Biểu tượng/biểu trưng thường có kích thước nhỏ.
“Biểu tượng Chữ thập đỏ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ; Biểu tượng Chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động Chữ thập đỏ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng Chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này” – Điều 14, chương III, Luật hoạt động Chữ thập đỏ.
AI/TỔ CHỨC NÀO ĐƯỢC SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG CỦA PHONG TRÀO?
Các tổ chức trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế bao gồm Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, được sử dụng Biểu tượng trong mọi thời điểm. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trong biểu trưng của Hội để biểu thị mối liên hệ với Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế
*Trong thời bình:
- Cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ
- Phương tiện, cơ sở vật chất của Hội Chữ thập đỏ
- Nhân viên y tế, cơ sở y tế và phương tiện y tế thuộc các lực lượng vũ trang.
- Xe cứu thương và trạm sơ cấp cứu có nhiệm vụ chăm sóc miễn phí cho người bị thương và người bệnh, phù hợp với pháp luật Việt Nam và được sự cho phép của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
*Khi có xung đột vũ trang:
- Cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ
- Phương tiện, cơ sở vật chất của Hội Chữ thập đỏ
- Nhân viên y tế, cơ sở y tế và phương tiện y tế thuộc các lực lượng vũ trang.
- Nhân viên y tế dân sự, bệnh viện và các đơn vị y tế dân sự khác có nhiệm vụ điều trị và chăm sóc người bị thương và đau ốm được sự cho phép và chịu sự kiểm soát của Chính phủ.
“Biểu tượng Chữ thập đỏ được sử dụng khi tiến hành hoạt động Chữ thập đỏ và tại cơ sở, trên phương tiện, hiện vật của Hội Chữ thập đỏ; Khi có xung đột vũ trang, biểu tượng Chữ thập đỏ được sử dụng theo quy định của các công ước Giơ-ne-vơ có liên quan, các nghị định thư bổ sung mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” – Điều 15, Chương III, Luật hoạt động Chữ thập đỏ
MỘT SỐ VI PHẠM TRONG SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ VÀ BIỂU TRƯNG HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
- Bắt chước: Sử dụng dấu hiệu gần giống về hình dáng, màu sắc của biểu tượng chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gây nhầm lẫn.
- Sử dụng sai: Không phải cá nhân, tổ chức, hoạt động Chữ thập đỏ nhưng sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ và biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
- Xảo trá: Sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ để bảo vệ binh lính và các phương tiện chiến tranh với ý đồ đánh lạc hướng đối phương. Đây được coi là tội ác chiến tranh nếu gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng.
MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN BIỂU TRƯNG HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
*Luật Nhân đạo quốc tế (bao gồm 4 Công ước Giơnevơ 12/8/1949 và 3 Nghị định thư) trong đó quy định những nội dung liên quan đến việc bảo vệ Biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
*Ở Việt Nam, Luật Hoạt động Chữ thập đỏ được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 3 ban hành ngày 3/6/2008 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2009 đã quy định rất rõ các vấn đề liên quan đến biểu tượng Chữ thập đỏ.
*Tháng 7/2013, Cục Đăng ký bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
*Ngày 29/10/2009, Bộ Y tế cũng đã có Công văn số 7964/BYT-KCB của Bộ Y tế về việc thực hiện quy định sử dụng biểu tượng CTĐ chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ, Y tế các bộ, ngành.
*Ngày 30/11/2015, Thông tư số 45/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về Trang phục y tế không được có biểu tượng Chữ thập đỏ trái quy định của pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ.
BIỂU TRƯNG CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1946, là thành viên Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế từ tháng 11 năm 1957 và là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo theo pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các điều ước quốc tế khác về hoạt động nhân đạo mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo Điều lệ Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hội tập hợp mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần, dân tộc, tôn giáo, giới tính để làm công tác nhân đạo.
Mục đích cao cả của Hội là nhân đạo, hòa bình, hữu nghị, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với nền tảng là “chữ thập đỏ trên nền trắng” - Biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ vàTrăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - kết hợp cùng các chi tiết hình họa xung quanh và dòng chữ “Chữ thập đỏ Việt Nam”. Biểu trưng đã được Cục Đăng ký bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Giấy chứng nhận bản quyền tháng 7/2013.