Phòng thuốc y học cổ truyền chùa Quang Mỹ, tại xã
Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, từ lâu đã trở thành địa chỉ
nhân đạo giúp cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được khám,
châm cứu và nhận thuốc Nam miễn phí để vượt qua cơn đau bệnh. Đây là thành quả
từ sự cố gắng không ngừng của những người có tấm lòng nhân hậu, biết chia sẻ,
yêu thương đối với những cảnh đời không may mắn.
Trải qua 10 năm hoạt động, tức là từ
năm 2009 đến nay, phòng thuốc Nam chùa Quang Mỹ đã cứu chữa cho hàng chục ngàn
bệnh nhân thoát khỏi những căn bệnh từ nhẹ đến nặng như: cảm thương hàn, đau
xương khớp, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp…Tiếng lành đồn xa, nhiều bệnh nhân từ
các tỉnh khác như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Hậu Giang, Tiền Giang, TPHCM
cũng lặn lội tìm đến để được chữa bệnh. Trong năm qua, phòng thuốc nam đã thực
hiện khám chữa bệnh cho gần 3.700 bệnh nhân, phát gần 45.400 thang thuốc và
châm cứu trị các bệnh thông thường cho hơn 570 người, tương đương số tiền 220
triệu đồng.
Tuy chỉ là một nơi khám chữa bệnh
nhỏ, còn thiếu thốn về các trang thiết bị nhưng các thành viên của cơ sở đều là
những người tâm huyết với công việc, trong đó có lương y Lê Văn Măng (74 tuổi),
tuy ông đã tuổi cao sức yếu nhưng đều đặn mỗi tuần đều tự mình đạp xe đến nhà
thuốc để khám cho người bệnh. Hay như ni sư Thích nữ Như Thuận - trụ trì chùa
Quang Mỹ cũng thường xuyên vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tìm kiếm các
cây thuốc nam hay phụ giúp các công đoạn làm thuốc; còn rất nhiều thành viên có
tâm khác, cũng không quản ngại công sức đóng góp nhiệt tình cho nhà thuốc.
Phòng thuốc lúc đầu mới thành lập chỉ có 4 người nhưng đến nay số thành viên
của tổ thuốc đã là 7 người. Ông Lại Văn Ron – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp
Phước cho biết: “Nhiều người làm công
nhân ở trọ cũng đến khám chữa bệnh tại đây. Sau đó, khi họ có điều kiện về quê
sinh sống cũng quay trở lại phòng thuốc để hốt thêm thuốc về uống. Rồi thì
người này chỉ cho người kia đến đây”. Theo ông Ron, nhà thuốc nam từ thiện
được thành lập và duy trì đến ngày hôm nay xuất phát từ lòng thương người và
cũng nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện.

Lương
y Lê Văn Măng khám bệnh cho bệnh nhân
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của tổ
thuốc Nam chính là sự khan hiếm của một số loại thuốc và tìm kiếm địa điểm để
ươm giống một số cây thuốc thông dụng. Ông Lại Văn Ron chia sẻ: “Thuốc tuy nhiều, có đến hàng trăm loại nhưng
do số lượng bệnh nhân đến khám ngày càng đông nên lượng thuốc mỗi ngày mỗi
giảm. Chính vì vậy, việc vận động và thu gom thuốc từ các nguồn cũng gặp khó
khăn do số lượng cây thuốc trong thiên nhiên không còn nhiều như trước”.
Một số cây thuốc quý như cây gắm, cây gùi dùng để trị bệnh xương khớp phải lên
tận núi Thị Vải (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và rừng ở Bình Phước để tìm,
thậm chí mua lại từ người khai thác. Chính vì vậy, các thành viên trong tổ
thuốc ngoài công việc phụ giúp cho phòng khám (khám bệnh, phát thuốc, châm cứu,
sắp xếp và bảo quản kho thuốc), còn kiêm luôn cả việc tìm kiếm nguồn thuốc để
bổ sung, đáp ứng đủ số lượng thuốc cho bệnh nhân. Mặt khác, những thành viên
này còn liên hệ với người dân địa phương để có thêm nguồn cung cấp, một số bệnh
nhân sau khi hết bệnh cũng đã cất công tìm kiếm các loại thuốc và mang đến với
mong muốn góp sức giúp cho người bệnh không có điều kiện như mình.
Lương y Lê Văn Măng cho biết thêm: “Cũng có nhiều cây thuốc nam chúng ta tưởng
như cây cỏ bình thường nhưng thực chất lại có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả
như: Lá cây sakê, bông giấy, cây mắc cỡ,…”. Trị bệnh bằng cây thuốc nam đòi
hỏi người bệnh phải kiên trì và thường xuyên tái khám khi hết thuốc, người bệnh
sẽ được giảm lượng thuốc nếu bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm. Ngoài ra, bệnh
nhân sẽ được châm cứu nếu bị các bệnh liên quan đến đau đầu, đau lưng, thần
kinh tọa, đau vai gáy, xương khớp,… “Tuy
số lượng cây thuốc tại địa phương ngày một ít đi nhưng chúng tôi luôn cố gắng
liên hệ nhiều nơi để có đủ thuốc cho người bệnh. Thấy được việc làm đầy ý nghĩa
của phòng khám, nhiều mạnh thường quân đã sẵn sàng cho mượn đất tại nhà của
mình để trồng cây thuốc và phụ giúp tìm kiếm cây thuốc ở nhiều nơi”, ông
Ron xúc động nói.

Ông Lại Văn Ron – Chủ tịch Hội CTĐ xã lấy thuốc
cho người bệnh
Với quan niệm giúp người, giúp đời
thì những khó khăn đó không thể cản bước chân của những người có tâm làm việc
thiện. Họ xem những vất vả đó không bằng việc để bệnh nhân nghèo phải chịu đau
đớn vì bệnh tật. Hiện tại, mong muốn lớn nhất đối với các thành viên trong tổ
thuốc đó là có thêm nhiều cây thuốc được các mạnh thường quân mang đến, có thêm
nhiều địa điểm để trồng cây thuốc và có thêm nguồn kinh phí để mua sắm các
thiết bị phục vụ khám chữa bệnh miễn phí, từ đó có thể giúp được nhiều người
bệnh có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Xuân
Mai - Hội CTĐ huyện Nhơn Trạch